Thứ Tư, 05/12/2007, 02:30 theo TTO
Vào đời từ hai bàn tay trắng với niềm đam mê cầm cọ, hơn 30 năm đeo đuổi hội họa, vợ chồng họa sĩ Lâm Văn Lộc - Bạch Lan đã tạo dựng được một cơ ngơi ấm cúng ở quận 2. Ngôi nhà xinh xắn, rất nghệ sĩ ấy cũng là gallery Lộc Lan - một không gian tràn ngập sắc màu và hạnh phúc luôn tươi mới trên nét mặt chủ nhân.Một góc cõi riêng của Lộc - Lan
Hai vợ chồng đều là họa sĩ, nhưng có hai phong cách hội họa khác hẳn nhau. Dễ nhận ra tranh của Lâm Văn Lộc (ký tên là Lộc Lan), vì anh là một trong số ít người thành công theo khuynh hướng cực thực, đặc biệt là với tranh chân dung. Anh chỉ vẽ những gì mộc mạc, giản dị, gần gũi với đời sống hàng ngày, vẽ chân dung những người thân trong một không gian, khoảnh khắc thật đắt. Đáng nói là suốt nhiều năm cầm cọ, trừ những tranh đặt hàng, anh chỉ có người mẫu nữ duy nhất là người bạn đời - họa sĩ Bạch Lan, bởi theo anh: “Vẽ cực thực rất công phu, có khi hàng tháng trời mới hoàn thành một tác phẩm nên việc làm người mẫu cũng rất khó. Tôi chọn bà xã vì là người thân thuộc nhất, hiểu ý nhau để hỗ trợ, góp ý cho nhau trong sáng tác”. Họa sĩ Bạch Lan lại có một thế giới màu sắc lãng mạn, bay bỗng như chính tâm hồn chị. “Tôi chỉ nghĩ đơn giản nghệ thuật là cái đẹp. Làm nghệ thuật là hướng tới cái đẹp nên tôi vẽ bằng chính sự cảm nhận, cả những ước muốn, suy tư qua mọi cung bậc tình cảm của mình” - chị bày tỏ. Nhiều người yêu mến tranh của chị vì sự nhẹ nhàng, trong trẻo, đằm thắm, nữ tính và chất bí ẩn Á Đông trong những tranh thiếu nữ và hoa. Âm thầm làm nghề, đôi họa sĩ Lộc - Lan vẫn trung thành với phong cách mà mình đã chọn và ngày càng trau chuốt hơn. Năm 2005, anh chị lần đầu có một triển lãm chung tại Hội Mỹ thuật TP.HCM tên là “Tâm tranh”, được đánh giá khá tốt từ giới chuyên môn. Sự ra mắt đó là khởi đầu cho kế hoạch dài hơi, tiếp cận với người yêu thích hội họa nhiều hơn: mỗi năm một trong hai người sẽ tổ chức triển lãm tranh. Duyên nợ từ hội họa Có nhiều điểm tương đồng từ hoàn cảnh, sở thích nên đôi vợ chồng Lâm Văn Lộc - Bạch Lan dễ dàng đồng cảm, chia sẻ và hỗ trợ nhau trên con đường nghệ thuật cũng như trên đường đời. Cùng học chung trường phổ thông (trường Nguyễn Thái Bình hiện nay, anh Lộc trước chị Lan ba lớp), cùng đam mê hội họa nên họ đã gặp nhau trong nhóm tự học vẽ và thành tài chứ không qua trường lớp hay thầy dạy nào, sau đó còn dạy vẽ cho nhiều người.
Quê anh Lộc ở Cần Thơ, khi mới hơn 10 tuổi anh đã theo gia đình lên Sài Gòn sinh sống. Từ nhỏ, cậu bé Lộc đã thích vẽ, đến năm cấp 3 phổ thông đã khá nổi tiếng trong trường nhờ tài trình bày báo tường đẹp và hay vẽ tranh chân dung tặng bạn bè. Anh Lộc kể, vì mê vẽ nên thấy sách báo nào có hình ảnh đẹp là anh cất giữ lại, nhất là ảnh chân dung, rồi mày mò vẽ theo bằng bút chì đen trên giấy học trò, dần dà anh vẽ có kỹ thuật hơn, đẹp hơn. Còn chị Bạch Lan từ tám tuổi cũng theo gia đình từ Đắk Lắk xuống Sài Gòn định cư. Cô bé Lan hay mơ mộng, bằng trí tưởng tượng thường dệt trong đầu những bức tranh bông hoa, cánh chim, cánh bướm cho đến thiếu nữ, cảnh đẹp…Đến khi học cấp 3, chị tập vẽ và ý tưởng trong đầu từ lâu cứ hiện về nên chị không khó khăn trong việc tái hiện qua nét cọ. Trong những lần sinh hoạt nhóm hội họa với các bạn học cùng trường, cô nữ sinh Bạch Lan đã quen biết với Lâm Văn Lộc - chàng sinh viên Trường Luật đã là họa sĩ nghiệp dư. Từ những câu chuyện về hội họa, đôi bạn trẻ đã chia sẻ được nhiều điều trong cuộc sống và quyết định gắn bó cuộc đời với nhau. Vừa kỷ niệm 26 năm ngày cưới - một chặng đường dài vui buồn, sướng khổ đều có nhau, họ vẫn là một đôi bạn đời tri kỷ thật hạnh phúc: “Làm việc gì cũng phải có cái tâm. Để có được một chút thành công như hôm nay, chúng tôi đã phải lao động cật lực, đúng như ông bà mình dạy là gieo cây gì, gặt quả ấy. Ngay cả trong lúc vất vả nhất, đối diện với nỗi lo cơm áo, chúng tôi vẫn nghĩ mình không bao giờ xa rời niềm đam mê hội họa” - anh chị cùng chia sẻ.
Lúc đầu chỉ vẽ cho vui, nhưng càng vẽ anh Lộc càng đam mê khuynh hướng cực thực. Sau giải phóng, việc học đại học dở dang, để được sống với hội họa, anh Lộc nhận vẽ quảng cáo cho các cửa hiệu. Những mẫu quảng cáo có vẽ chân dung, đòi hỏi tính thẩm mỹ, thợ vẽ làm không đạt thì cửa hiệu giao cho anh thực hiện. Năm 1979, anh và chị Lan cùng nhau làm một cuộc phiêu lưu là mở lớp dạy vẽ chân dung nghệ thuật, trước hết có chỗ để vẽ và bán tranh cho người cần mua, sau là hướng dẫn cho người muốn học vẽ nhưng trên hết là để được sống với nghề họ yêu thích. Khi xin giấy phép hành nghề, hóa ra cả hai chẳng có bằng cấp chuyên môn nào về hội họa. Thế là anh Lộc phải ngồi vẽ trực tiếp để được thẩm định, cấp phép. Những năm đầu 1980 là thời hoàng kim của nghề dạy vẽ. Từ một ít học viên đầu tiên, phòng tranh Lộc Lan ở đường Lý Tự Trọng lúc nào cũng đông người đến đăng ký học vẽ. Bây giờ, cuộc sống đã ổn định, cặp họa sĩ Lộc - Lan đã có thể toàn tâm toàn ý với tình yêu hội họa. Anh chị cùng cười: “Chính niềm đam mê hội họa là tình yêu đầu tiên đã gắn kết chúng tôi lại với nhau. Nghệ thuật là con đường bất tận, có đi hết cuộc đời chúng tôi vẫn chưa khám phá hết những điều kỳ diệu trong hội họa, nên vẫn còn đam mê”.
Theo THU NGÂN
Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
2 comments:
Tranh đẹp thiệt! ;-)
Hinh nhu truong phai cua anh Loc "My Tho" nay chuyen ve ve dep cua "vu" phu nu, nho do hoa si Lan da phan tich tai tinh tai sao xilao om tom om teo....hahaha !!!
Post a Comment